Trang

Chào mừng bạn đến với Clb Living My Life - Chuyên tổ chức các hội thảo , tập huấn về SKTD và SKSS dành cho cộng đồng cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến LGBT . Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp qua số 0933.89.78.50 hoặc qua nick yahoo: khunglongbebong2805 để được hỗ trợ tận nơi

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÒN THIẾU THÔNG TIN VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN

 
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ
 
(ĐCSVN) - Với sự phát triển của xã hội, trẻ vị thành niên ngày một dậy thì sớm hơn, biết yêu sớm và nhu cầu tình dục cũng đến sớm hơn. Không được cha mẹ, nhà trường cung cấp, phổ biến thông tin về sức khỏe sinh sản (SKSS) một cách đầy đủ nên kiến thức này đối với đa số các em vẫn hoàn toàn mờ nhạt.


Vị thành niên còn "thờ ơ" và thiếu kiến thức về SKSS
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu, hành động vì cộng đồng (REACOM), hiện Việt Nam là một trong ba quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, với khoảng 400.000 ca phá thai/năm, trong đó phụ nữ trẻ chưa có gia đình chiếm 20-30% tổng số ca phá thai, vị thành niên phá thai muộn và không an toàn có 53%...Những số liệu trên cho thấy những "lỗ hổng" kiến thức về giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS ở tuổi vị thành niên của Việt Nam là quá lớn. Với sự thiếu hiểu biết những kiến thức về giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS, nhiều trẻ vị thành niên đã phải gánh chịu những biến chứng nặng nề từ việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai không an toàn.
Nói về thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn SKSS và Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, cho biết: “Quả thực, có khá nhiều trẻ vị thành niên coi chuyện nạo phá thai là chuyện rất bình thường và dửng dưng trước sự đau khổ của bố mẹ. "Tôi không thể hiểu và lý giải được tại sao một cháu bé mới 14 tuổi (mang thai tháng thứ 5), lại có thái độ thờ ơ đến tàn nhẫn trước sự lo lắng của người thân đến vậy". Bác sĩ Minh chia sẻ.

 
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Theo Bác sĩ Trần Thị Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS Thanh Hóa, số thai phụ mới học lớp 9 - 10 đến Trung tâm cũng có xu hướng tăng hơn trước. Phần lớn những cháu này đều không nắm được kiến thức về SKSS, tình dục an toàn, nên có thái độ khá sợ hãi. Ngược lại nhiều trẻ vị thành niên khoảng 17 – 18 tuổi có thai ngoài ý muốn lại có thái độ rất bất cần, “giải quyết” đến lần thứ 3 - 4 mà vẫn tươi tỉnh như không, chẳng có vẻ lo lắng về hậu quả, sức khoẻ giảm sút và nguy cơ viêm nhiễm, vô sinh về sau.
Hiện nay, trên nhiều diễn đàn dành cho trẻ vị thành niên (dưới 19 tuổi), nhiều em tâm sự rằng, do không hiểu biết, hoàn toàn quan hệ tình dục theo bản năng, nên đã có thai ngoài ý muốn, có em phải nạo phá thai nhiều lần. Bởi vậy, nhiều bạn trong số này cũng đã chia sẻ những ý kiến của mình và mong được cung cấp thông tin về SKSS, tình dục an toàn.
Theo các bác sĩ, sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi vị thành niên lúc này đứng trước nhiều mối đe dọa. Nếu không được quan tâm, hướng dẫn, chăm sóc một cách đúng đắn, hai nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến SKSS của vị thành niên là tình trạng có thai sớm và tình trạng nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQÐTD) do các hành vi quan hệ tình dục không được hướng dẫn hay kiểm soát.
Người thân chưa thật sự quan tâm

 
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Hiện nay, nhiều cha mẹ, thầy cô giáo và người thân của các em vẫn giữ quan niệm, giáo dục SKSS, dạy cho trẻ hiểu về tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, với tình trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về SKSS ở tuổi vị thành niên như hiện nay, không vẽ đường thì “hươu” vẫn cứ chạy nhanh và hậu quả thật khó lường. Nguyên nhân cũng tại người lớn không chịu vẽ đường giúp “hươu” chạy đúng hướng.
Theo PGS.TS Đức, ở nhiêù nước, các em học sinh được dạy về giới tính từ rất nhỏ. Trong các trường học, có những phòng về SKSS rất hấp dẫn, giờ nghỉ các em có thể vào đó xem tranh ảnh, mô hình, đọc tài liệu, tìm hiểu thông tin. Khi cần thiết có thể gặp cán bộ phụ trách để được tư vấn, giải đáp những thắc mắc tuổi mới lớn… Nhưng ở nhà trường của ta, việc dạy SKSS, giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được chú trọng đúng mức, chỉ lồng ghép vào các môn học (Giáo dục công dân, Sinh học). Sách giáo khoa thì thiếu hấp dẫn, nhiều chữ với vài hình vẽ về giải phẫu. Một số trường cũng mời chuyên gia về nói chuyện về giới tính cho học sinh, sinh viên, nhưng cũng chỉ là “cưỡi ngựa, xem hoa”, càng gợi trí tò mò nguy hại vì thiếu hiểu biết đầy đủ. Kết quả là nhiều trẻ vị thành niên vẫn không thực sự hiểu về nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục, tai biến sau nạo phá thai, cách phòng tránh thai hoặc thế nào là quan hệ tình dục an toàn…
Còn tại gia đình, nhiều bậc cha mẹ cũng chưa quan tâm, trò chuyện với con về những biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, về kiến thức SKSS, tình dục an toàn. Hơn nữa, đối với hầu hết các bậc cha mẹ, việc giáo dục giới tính cho con cái không phải là việc dễ làm, nhất là những gia đình ở nông thôn.
Bên cạnh đó, chính các em - những người ở lứa tuổi vị thành niên - nếu chưa hiểu hay còn mờ nhạt kiến thức về giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS ở mức độ nào cũng chẳng mấy khi tìm đến mạng lưới các trung tâm chăm sóc SKSS của ngành y tế để cập nhật, bổ sung. Việc thiếu nguồn cung cấp thông tin chất lượng, đương nhiên tỷ lệ trẻ vị thành niên có những kiến thức chính xác về SKSS chưa cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai và cuộc sống của các em sau này.
Bởi vậy, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên nếu được tuyên truyền, giáo dục tốt sẽ hướng các em đến những suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu để tiến đến hôn nhân khi cơ thể đã hoàn toàn trưởng thành, có đủ điều kiện về sức khỏe, vật chất, được chuẩn bị về tinh thần cho việc sinh con và nuôi con trong điều kiện tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô, y bác sĩ, đoàn thể thanh niên, các tổ chức xã hội… phải là những đối tượng chính sẽ phối hợp một cách tích cực trong các chương giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS cho trẻ vị thành niên. Chính điều này sẽ là nền tảng để xây dựng nên những gia đình hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phồn vinh của xã hội.

Bích Liên 
(Nguồn từ baomoi.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét