Một trường hợp tương tự khác do tổ chức Gret tại Việt
Nam (Tổ chức Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ) phát hiện trong thời gian
tiến hành cuộc khảo sát về bạo lực gia đình ở tỉnh Hòa Bình năm 2009.
Chị S bị chồng đánh rất dã man. Mỗi lần bực dọc chuyện gì đó, anh N lại cầm cây rượt đuổi đánh chị. Có lần chạy không kịp chị S bị chồng đánh ngất xỉu.
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng khi chị S báo cáo với trưởng thôn và chi bộ thôn thì đều nhận được lời khuyên: “Nó đánh một tý thôi, nhịn đi".
Chị S bị chồng đánh rất dã man. Mỗi lần bực dọc chuyện gì đó, anh N lại cầm cây rượt đuổi đánh chị. Có lần chạy không kịp chị S bị chồng đánh ngất xỉu.
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng khi chị S báo cáo với trưởng thôn và chi bộ thôn thì đều nhận được lời khuyên: “Nó đánh một tý thôi, nhịn đi".
Đúng vào thời gian đó, tổ chức Gret tiến hành khảo sát thực trạng bạo lực gia đình ở Hòa Bình nên chị S đã nói lên được tiếng nói của mình. Ngay lập tức Gret liên lạc với Hội phụ nữ Huyện, rồi Hội phụ nữ Tỉnh để có phương án hỗ trợ cho chị S.
Kết quả là Hội phụ nữ Huyện không những không vào cuộc mà còn gọi điện mắng mỏ Hội phụ nữ xã là “vượt cấp”, là không báo cáo với Hội phụ nữ Huyện mà để cho nạn nhân báo cáo với Gret, Gret lại báo lên Tỉnh, làm mất thành tích của Huyện.
Cuối cùng, chị S không những không được can thiệp hỗ
trợ mà còn bị phê bình và kết tội. Trong vòng luẩn quẩn đó, chị S càng bị chồng
đánh nhiều hơn.
Có những phát hiện chỉ ra rằng: trong những trường hợp xấu nhất của bạo lực gia đình, khi một người phụ nữ cảm thấy không thể chịu đựng thêm nữa hoặc khi cảm thấy con cái mình đang gặp nguy hiểm, họ sẽ tìm đến chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phụ nữ ít được chính quyền địa phương giúp đỡ hoặc hỗ trợ đầy đủ. Nhiều lần người phụ nữ được khuyên giữ im lặng và tiếp tục chịu đựng bạo lực và lạm dụng nhằm giữ gìn sự hòa thuận trong gia đình.
Lối mòn xuê xoa hòa giải
Có một thực tế là hiện nay, khâu giải quyết vấn đề bạo lực gia đình tại địa phương gặp phải nhiều lúng túng, bế tắc. Nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật bình đẳng giới và những kiến thức về bạo lực giới…
Sự thiếu kiến thức về bạo lực giới ở các cấp lãnh đạo và các cán bộ xã hội tại địa phương là lỗ hổng rõ nhất gây nên những trở ngại, những quan niệm mang nặng chuẩn mực giới, làm hạn chế công tác đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
GS. TS Lê Thị Quý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới
và phát triển (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: cải thiện
vấn đề “dân trí” đóng vai trò tối quan trọng trong giải quyết bạo lực gia đình.
Mà muốn thay đổi “dân trí” thì phải thay đổi “quan trí” đầu tiên.
Kết quả Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố hôm 25/11/2010 cho thấy, có khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và tình dục do chồng gây ra nói họ có nghe về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng không nắm được chi tiết luật. Điều đáng nói là ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng không nắm được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhiều người quan niệm "bạo lực gia đình là vấn đề
riêng của gia đình” và thường khuyên phụ nữ chịu đựng. Điều này cho thấy thái
độ không hỗ trợ của các cơ quan địa phương đối với vấn đề bạo lực gia đình.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi phụ nữ không cảm thấy được hỗ trợ bởi chính
quyền địa phương, họ sẽ không thông báo về tình trạng bị bạo lực của họ.
Một phụ nữ xin được giấu tên ở Bến tre khi trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ cuộc khảo sát này cho biết : "Khi bị ảnh hăm dọa mình thấy chịu không nổi phải nhờ ấp can thiệp thì cũng có báo trưởng ấp thì ổng cũng không nghe mình, ông ấy nói: "Chuyện gia đình mày, mày làm gì thì làm”.
Ngoài sự thiếu hiểu biết về pháp luật Nghiên cứu này
cũng chỉ ra rằng, lãnh đạo và cán bộ xã hội ở địa phương còn mang nặng định
kiến giới, những quan niệm mang tính chuẩn mực giới. Chính cách nghĩ mang nặng
định kiến giới nên họ không nhận thức được rằng bạo lực gia đình là hành
vi xâm phạm quyền con người.
Không ít trường hợp khi nhận được sự kêu cứu trợ giúp
của nạn nhân bạo lực gia đình, thay vì tìm cách giải quyết thì họ thường bao
biện cho hành vi của kẻ gây ra bạo lực, kiểu như "bình thường tôi thấy anh
ấy cũng yêu vợ thương con đấy chứ, chắc chỉ do nóng thôi" , và "nó
nóng thế thì mày nhịn đi, ông bà ta đã dạy rồi - cơm sôi bớt lửa…"; và đổ
tội cho nạn nhân "làm gì mới bị đánh, phải có lỗi gì, nhà cửa thế nào, đã
biết làm đẹp chưa, đã biết chiều chồng chưa….”.
Đây chính là cách giải quyết vấn đề bạo lực gia đình
theo lối mòn xuê xoa hòa giải, làm cho nạn nhân bạo lực gia đình ngày càng chìm
sâu vào vòng xoáy bạo lực.
Sự nguy hiểm của việc thiếu kiến thức
Một trong những khuyến nghị mà Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đặt ra là nâng cao nhận thức, cung cấp các thông tin về thực trạng bạo lực gia đình, chính sách và khung pháp lý có liên quan tới bạo lực trên cơ sở giới cho lãnh đạo và cán bộ xã hội ở chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay những hoạt động phòng chống bạo
lực gia đình mới chỉ mang tính chất tự phát do các tổ chức phi chính phủ tại
Việt Nam thực hiện hoặc là thực hiện theo các dự án nhỏ lẻ, chưa có tính tổng
thể thuộc cấp quản lý nhà nước.
Nhận thấy “khoảng trống” này trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, ngay từ đầu năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã thành lập Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới (CMRC) nhằm quản lý, cập nhật và cung cấp cho các cán bộ xã hội những thông tin, kỹ thuật phòng chống Bạo lực giới tại Việt Nam và trên thế giới.
Ngoài ra, Trung tâm này còn thiết lập một đường dây nóng qua số điện thoại 04.3775 93 33 để chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn cho cán bộ xã hội khi họ gặp lúng túng trong việc giải quyết và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Đây là kênh trao đổi thông tin chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm giữa những người làm công tác xã hội trên địa bàn cả nước đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
Bà Nguyễn Thu Thúy - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới (CMRC) - cho biết, trong quá trình tư vấn đã phát hiện thấy khâu giải quyết và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ở ta chưa chú ý tới sự an toàn của người bị bạo lực.
Các cán bộ xã hội ở địa phương thiếu kiến thức để nhận biết nạn nhân đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ bạo lực, từ đó mới có cách giải quyết và hỗ trợ phù hợp, những nguyên tắc đảm bảo an toàn cho nạn nhân là gì, và các kỹ năng tiếp cận và hỗ trợ như thế nào… Nếu có các kiến thức và kĩ năng này, cán bộ xã hội sẽ hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình hiệu quả hơn.
Kỹ năng đơn giản lại là công cụ hữu hiệu
Cũng theo bà Thúy, khi có kiến thức, các cán bộ xã hội sẽ nhận biết được trong tình thế đó thì có nên hòa giải không, nhìn nhận mâu thuẫn ở mức độ nào. Bạo lực ở mức nghiêm trọng lại cho rằng “chỉ đánh một chút thôi” là vô hình chung bao biện cho kẻ gây ra bạo lực, tạo cơ hội cho kẻ gây ra bạo lực tiếp tục hành vi bạo lực của mình.
Ngay cả khi tiến hành công tác hòa giải vẫn cần quan
tâm tới việc hỗ trợ cho người phụ nữ, tức là cần trò chuyện với người bị bạo
lực, tư vấn tâm lí cho họ, cùng họ đánh giá các tình huống, và nếu trong tình
huống không chuyển biến thì cần đưa ra những biện pháp an toàn cho nạn nhân, ví
dụ như hướng dẫn cho nạn nhân có “túi an toàn khi bị bạo lực”….
Có một thực tế là cán bộ Hội phụ nữ ở địa phương cũng có nhiều người không biết đến “Túi an toàn khi bị bạo lực”. Đó là giấy tùy thân, giấy khai sinh của con; tiền; quần áo; tư trang tối thiểu. Khi rơi vào tình thế bị bạo lực gia đình, nạn nhân phải để “túi an toàn” này ở chỗ dễ lấy như ở nhà người thân chẳng hạn, để khi bị đe dọa sẽ chạy cho dễ. Bởi có trường hợp chạy vào nhà lấy quần áo thì bị chồng đánh.
Hoặc có những kỹ năng an toàn như: Quan sát, thấy
chồng nổi nóng là chạy ngay; không khiêu khích, không gây thêm căng thẳng khi
bạo lực xảy ra; hay những kiến thức như: “không chui vào những góc khuất, góc
nhà, gần bếp có dao, nên đứng ở cửa ra vào để chạy. Người bị bạo lực có thể trò
chuyện với hàng xóm về tình trạng bạo lực, cùng nhau đưa ra những ám hiệu “ới
một cái là ra đấy nhé”….
Tất cả những kiến thức và kỹ năng này, các cán bộ xã
hội có thể cung cấp cho người bị bạo lực để họ sử dụng như là công cụ hỗ trợ
hữu hiệu, vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể giúp họ tự thoát ra được tình trạng
bạo lực của mình. Hơn ai hết, các cán bộ xã hội có kĩ năng, có kiến thức tại
địa phương sẽ là những người hỗ trợ cho nạn nhân hiệu quả nhất nếu bạo lực gia
đình xảy ra.
87,1% phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa bao giờ tìm đến chính quyền
Những phụ nữ tham gia khảo sát được hỏi họ có bao giờ tìm đến các dịch vụ chính thức hoặc những người ở vị trí có thẩm quyền, gồm công an, Ủy ban nhân dân xã, cơ sở y tế, tư vấn pháp luật, tổ chức xã hội, Hội phụ nữ, lãnh đạo địa phương... để được giúp đỡ hay không?
87,1% phụ nữ từng bị chồng bạo hành chưa bao giờ tìm đến bất kỳ cơ quan, tổ chức nào để được giúp đỡ.
Chỉ có từ 1,7 - 6,3% phụ nữ bị bạo hành đã đến các
cơ quan khác nhau để được giúp đỡ. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà
phụ nữ thường tìm đến để nhờ giúp đỡ nhiều nhất là lãnh đạo địa phương,
trưởng thôn, tổ trưởng dân phố (6,3%), tiếp đó là công an, hội đồng
nhân dân và cơ sở y tế, rồi sau nữa là các tổ chức xã hội .
Chỉ có 4 phụ nữ (khoảng 0.,%) trả lời đã từng đến nhà tạm lánh, mái ấm.
Kết quả Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố ngày 25/11/2010
* Để bảo vệ nạn nhân, tên
nhân vật trong bài đã được thay đổi
(Theo Giadinh.net)
(Theo Giadinh.net)
(Nguồn từ Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét