Trang

Chào mừng bạn đến với Clb Living My Life - Chuyên tổ chức các hội thảo , tập huấn về SKTD và SKSS dành cho cộng đồng cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến LGBT . Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp qua số 0933.89.78.50 hoặc qua nick yahoo: khunglongbebong2805 để được hỗ trợ tận nơi

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

TƯ VẤN,HỖ TRỢ VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH: CẦN LẮM SỰ CHUYÊN NGHIỆP VÀ SÁNG TẠO

Tư vấn, hỗ trợ về bạo lực gia đình: Cần lắm sự chuyên nghiệp và sáng tạo
Hội nghị Quốc gia về Phòng chống bạo lực gia đình 2012 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách từ Luật đến cuộc sống” đã được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội. Hội nghị đã dành những phiên họp để chia sẻ kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực và người gây bạo lực. Đây là hoạt động quan trọng trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Có thể nói hiện tại Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) là những đơn vị tiên phong trong triển khai các chương trình, các dự án tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình. Không theo lối mòn xuê xoa, đổ lỗi cho người bị bạo lực, đề cao sự nhẫn nhịn, tha thứ để “bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình” của công tác hòa giải truyền thống, các chương trình tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình của CCIHP và CSAGA tập trung chia sẻ, hỗ trợ tâm lý và phát triển tiềm năng giải quyết vấn đề của người bị bạo lực; nâng cao tính chịu trách nhiệm và khả năng kiểm soát, thay đổi hành vi của người gây bạo lực; đồng thời phối kết hợp với địa phương xây dựng hệ thống hỗ trợ người bị bạo lực gia đình một cách rõ ràng, hiệu quả.
Mô hình tư vấn có giám sát của Trung tâm Tư vấn hạnh phúc gia đình tại Cửa Lò, Nghệ An; Mô hình tư vấn sử dụng các công nghệ hiện đại phù hợp với nhu cầu mới như tư vấn hotline, tư vấn qua website và wapsite của Linh Tâm; Câu lạc bộ Cùng chia sẻ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam…; mô hình câu lạc bộ dành cho nam giới gây bạo lực tại Mường Xén, Kỳ Sơn (Nghệ An), Long Biên (Hà Nội)…; mô hình câu lạc bộ Nam giới trách nhiệm tại Cửa Lò… là những ví dụ điển hình, cho thấy tính chuyên nghiệp và sự sáng tạo cao của các tổ chức. 
 
Vở kịch “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” – một loại hình nghệ thuật được sử dụng để giúp người bị bạo lực và người gây bạo lực chuyển tải thông điệp “Hãy chấm dứt bạo lực gia đình”.
Đến với các trung tâm tư vấn hay các câu lạc bộ dành riêng cho mình, người bị bạo lực hay người gây bạo lực trước tiên đều được khuyến khích trò chuyện cởi mở về cuộc sống bạo lực của họ; được tự do thể hiện tình cảm, cảm xúc để lấy lại sự bình tĩnh và cân bằng về mặt tâm lý; đồng thời được xây dựng, củng cố lòng tự trọng – yêu bản thân hơn và phát triển các suy nghĩ tích cực hơn. Lồng ghép đưa các hình thức nghệ thuật vào sinh hoạt câu lạc bộ thông qua các trò chơi, kịch tương tác… giúp người bị bạo lực và người gây bạo lực khám phá, nhận thức bản thân một cách sâu sắc hơn, tăng cường một số kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, sự hợp tác – kết nối, kiểm soát cảm xúc, lập kế hoạch an toàn… Từ đó giúp giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình, cải thiện cuộc sống, đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực và nâng cao trách nhiệm của nam giới. Anh Bùi Văn Nhau, 39 tuổi, một thành viên sinh hoạt câu lạc bộ nam giới tại xã Thanh Hồi, chia sẻ “Tôi học được nhiều về hình thức bạo lực gia đình và có nhiều tinh thần về gia đình và cộng đồng. Khi tham gia nhóm rất thoải mái tinh thần, về nói với vợ con việc đi sinh hoạt thế này vợ con cũng thoải mái vì sẽ không có bạo lực gia đình nữa”.
 
Cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình
 Tham dự phiên họp chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình, các đại biểu đều tán thành quan điểm và phương pháp tiếp cận của CCIHP và CSAGA. Đồng thời các đại biểu cũng đặt ra những câu hỏi để làm rõ việc đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cho người bị bạo lực trong và sau quá trình can thiệp, tính bền vững và khả năng duy trì của các trung tâm tư vấn, các câu lạc bộ khi hết dự án, hết tài trợ… Đây thực sự là những vấn đề khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Việc cùng nhau phân tích, chia sẻ kinh nghiệm thực tế giúp các tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự bền vững cho các chương trình can thiệp của mình.
Hy vọng rằng những mô hình như thế này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương để có cơ chế và chính sách phù hợp, giúp phổ biến và duy trì rộng khắp các mô hình này.
                                                                                        Linh Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét