Trang

Chào mừng bạn đến với Clb Living My Life - Chuyên tổ chức các hội thảo , tập huấn về SKTD và SKSS dành cho cộng đồng cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến LGBT . Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp qua số 0933.89.78.50 hoặc qua nick yahoo: khunglongbebong2805 để được hỗ trợ tận nơi

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

GIÁO DỤC TÌNH DỤC - HƯỚNG ĐI NÀO CHO VIỆT NAM ?

Bạn đọc thân mến!
Tình dục đã được Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận là một vấn đề trọng tâm của đời sống con người. Tình dục không phải chỉ là bản năng hay sinh học mà được kiến tạo bởi xã hội. Chính vì vậy quan niệm hay sự thể hiện của mỗi cá nhân về sự hấp dẫn của bản thân, về sự hấp dẫn với người khác, về khoái cảm, về quan hệ tình dục và ứng xử trong mối quan hệ với bạn tình là một quá trình học. Giáo dục tình dục (GDTD) toàn diện do vậy là một phần không thể thiếu cho sự phát triển toàn diện của cá nhân không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, dân tộc, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội và tình trạng thể chất. Cũng vì khái niệm rộng này của tình dục, GDTD cần đề cập đến nhiều vấn đề hơn là cấu tạo giải phẫu và bệnh tật. GDTD toàn diện cần bao gồm 7 thành tố cơ bản là giới, sức khoẻ sinh sản tình dục (bao gồm cả HIV), công dân tình dục/quyền, khoái cảm, phòng chống bạo lực, đa dạng và mối quan hệ. 

Tại Việt Nam, GDTD hiện vẫn đang là một vấn đề được tranh cãi và chưa có được sự thống nhất của những người làm công tác giáo dục, gia đình và cả xã hội nói chung. Do bị coi là một chủ đề “nhạy cảm”, GDTD ở Việt Nam thường không được gọi đúng tên mà “ẩn” sau các vấn đề về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV, kỹ năng sống v.v.
Mục tiêu của các chương trình này chủ yếu là ngăn cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân và phòng chống các hậu quả của tình dục như mang thai ngoài ý muốn và lây nhiễm bệnh thông qua các chiến lược phổ biến là cung cấp kiến thức về biện pháp tránh thai, phòng lây truyền HIV và làm cho các cá nhân hoảng sợ về khía cạnh tiêu cực của tình dục. Cách tiếp cận dựa trên quyền nếu có được nói đến thì trong nhiều trường hợp mới chỉ dừng lại ở cái tên mà chưa thực sự thể hiện bằng các nội dung và hoạt động cụ thể trong chương trình can thiệp.
Các đối tượng của những chương trình này, kể cả là chưa toàn diện về nội dung, cũng thường chỉ bó hẹp trong nhóm vị thành niên, thanh niên và những nhóm đối tượng bị coi là có nguy cơ cho xã hội như phụ nữ mại dâm, nam giới có quan hệ tình dục với nam giới, người sử dụng ma tuý, người có HIV, vv. Trong khi tình dục rất liên quan tới yếu tố văn hoá, xã hội thì các chương trình GDTD ở Việt Nam vẫn chưa được đặt trong bối cảnh cụ thể của các vùng miền, đối tượng khác nhau cũng như trong mối liên hệ đến các vấn đề xã hội khác như nghèo đói, đô thị hóa, bất bình đẳng giới, bạo lực và phân biệt đối xử, công nghệ thông tin–internet, toàn cầu hóa v.v.
Cách đặt vấn đề tình dục, cách tiếp cận, ngôn ngữ sử dụng, nội dung của GDTD, v.v vẫn là những câu hỏi lớn với các nhà nghiên cứu xã hội về tình dục, những người làm các chương trình can thiệp liên quan đến GDTD, hay của những người vận động chính sách cho GDTD và thực hiện quyền tình dục. 

Trích từ Điểm tin Giới và Tình Dục (12/2012)
do Trung tâm Ccihp Oxfam thực hiện 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét