Chương I của báo cáo tìm hiểu các hoạt động về sự tương hỗ giữa các quyền con người và tình dục ở một hình thức mới và mang tính bao trùm: vận động chính sách dựa trên quyền và kêu gọi hình thành các chuẩn mực về quyền tình dục. Các phân tích sâu của báo cáo cho thấy những phần chưa hoàn thiện và chưa cân đối trong lĩnh vực mới này. Báo cáo cũng đưa ra một số giải thích từ chính sách, lý thuyết, và thực tiễn cho các điểm yếu này. Hàng loạt các hoạt động liên quan đến quyền của phụ nữ và sức khỏe sinh sản, vốn được hiểu là một phần của điều tiết xã hội về giới, thì nay lại có vẻ như tách biệt với các hoạt động về thể hiện giới và nhân dạng đồng tính, mặc dù các mối liên quan trong chính sách và phân tích đã được khơi mào lúc ban đầu. Những chương trình này cứ dai dẳng tồn tại, không chỉ đơn giản là những hoạt động riêng rẽ ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, mà đôi khi không thể bổ sung được cho nhau, mặc dù cùng sử dụng cụm từ ‘quyền tình dục’. Hơn nữa, trong khi các nhà vận động chính sách về quyền tình dục thường sử dụng cùng một cách thuyết phục, thì những cộng đồng mà các chính sách và sự vận động chính sách hướng tới lại có những ưu tiên và quyền lực khác nhau trong các thời điểm khác nhau. Sự không kết nối nay còn trở nên trầm trọng hơn do những lẫn lộn trong khái niệm tình dục, và trong phân tích liệu quyền thì nên hay đang đề cập đến điều gì: hành vi, nhân dạng, mối quan hệ, thể hiện tình dục, về từng cá nhân hay về một nhóm người; hoặc, như thế nào thì được xem là vấn đề tình dục, như thế nào thì được xem là vấn đề về giới, và các khía cạnh này tương tác với nhau như thế nào. Việc thảo luận hay thống nhất những nguyên tắc chung về quyền tình dục giúp làm sáng tỏ những câu hỏi này.
Chương II sẽ xem xét sự điều tiết của nhà nước về tình dục và vai trò của quyền con người. Phần này sẽ đề cập ngắn gọn về những nguyên nhân tại sao luật pháp về quyền con người và quá trình thực thi quyền con người trên thế giới lại có lịch sử gắn liền với sự điều tiết chặt chẽ và có tính phân biệt đối xử của nhà nước về tình dục. Tiếp đó là sự nhất trí gần đây về các nguyên tắc hỗ trợ thực thi quyền tình dục, khẳng định: “ Mọi người (trưởng thành) đều có quyền như nhau về có tình dục đồng thuận ở nơi riêng tư, không bị phân biệt đối xử, không bị ép buộc, bị bạo lực, hay bị đe dọa đến sức khỏe của mình, và mọi người đều có quyền quyết định về sinh sản khi có hoạt động tình dục”. Ở phần tiếp theo của chương, chúng ta sẽ có cái nhìn phản biện hơn về quan điểm này, đặc biệt là kiểm chứng các khái niệm về đồng thuận và khái niệm về người trưởng thành. Chương này kết luận rằng những thống nhất đã đạt được cho tới nay, thực chất mới chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ các quyền tình dục, chứ chưa phải toàn bộ các quyền tình dục.
Chương III tìm hiểu một vài tranh cãi giữa các nhà vận động chính sách về quyền, vốn góp phần đưa đến những phân tích không nhất quán về quyền tình dục, và làm hạn chế khả năng vận động để tuyên bố các quyền liên quan tới tình dục một cách mạnh mẽ và tiến bộ. Chương này phân tích các giai đoạn khác nhau của việc tập hợp và thống nhất một số vấn đề cụ thể trong quyền tình dục.
Chương IV bao gồm những kết luận chính của bản báo cáo. Chương này đưa ra những điểm yếu trong phân tích và chính sách dẫn tới khó thảo luận các trường hợp phức tạp; đồng thời xác định hai nhóm vấn đề quan trọng cần phải được làm rõ khi lồng ghép quyền tình dục vào các hoạt động về quyền con người hiện nay. Phần cuối của chương đưa ra các dự báo và những điểm cần lưu ý nhằm tránh gặp thất bại khi thực hiện các hoạt động về quyền tình dục do kiểm soát quá mức hoặc kì vọng quá cao. Chương này cũng đưa ra một số nguyên tắc và cách thức nhằm hỗ trợ và thúc đẩy xây dựng các tuyên bố hiệu quả về quyền tình dục.
Phân tích này được đưa ra tại một thời điểm khá thú vị, khi một vài khái niệm về tình dục và quyền con người đã tiến rất xa, còn các khái niệm khác thì vẫn còn đang ở giai đoạn khởi động. Các hoạt động về quyền và tình dục chính thống hay phi chính thống, đều trải qua những giai đoạn rất khác nhau, và chứa đựng đủ các sắc thái - háo hức, cấp thiết, rồi lúng túng, không được chấp nhận, và cả bực bội. Đặc biệt, cho đến nay vẫn chưa có được sự thống nhất về khung khái niệm của các vấn đề sau:
• Lý do và phạm vi điều tiết của nhà nước về tình dục ở nơi công cộng và trong đời sống riêng tư.
• Bản chất của các quyền phát ngôn về tình dục và kiểm soát các tài liệu có đề cập đến tình dục trong nội dung.
• Nghĩa vụ của nhà nước trong tạo điều kiện bảo vệ và hỗ trợ sự đa dạng trong thực hành tình dục.
• Mức độ tôn trọng sự riêng tư trong bảo mật thông tin về nhân dạng tình dục và những câu chuyện tình dục trong quá khứ của các cá nhân, bao gồm cả thông tin về xâm hại tình dục hay tình trạng HIV v.v…Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh khái niệm “đồng thuận” được sử dụng tràn lan (và ngày càng đáng lo ngại) trong thực hành tình dục.
Cũng cần phải nhấn mạnh là báo cáo này có nêu ra (nhưng chưa giải quyết được) những vấn đề nảy sinh nơi giao nhau của tình dục và quyền tình dục trong đời sống cá nhân và trong quan niệm xã hội – nơi “cơ thể riêng tư” và “cơ thể chính trị” gặp nhau. Trên thực tế tình dục đan xen cả hai khía cạnh này, do đó rất cần phải khái niệm hóa lại những quyền con người liên quan đến tình dục, nhằm bao phủ rộng hơn cả đời sống xã hội và đời sống riêng tư. Tăng cường các hoạt động sử dụng khái niệm “được tham gia” và “tôn trọng nhân phẩm” như là các quyền con người cũng sẽ rất hữu ích cho quyền tình dục. Những người bị kỳ thị trong tình dục thường bị từ chối đứng trên các diễn đàn công cộng, nên rất cần phải chú trọng đến sự tham gia của họ như là một giá trị cốt lõi của quyền con người. Nội hàm của “tôn trọng nhân phẩm” cũng có vai trò thiết yếu tương đương, mặc dù khái niệm này có thể phức tạp hơn và thường mang định kiến giới nặng nề, đặc biệt là khi nói đến phụ nữ.
Báo cáo xem xét các mâu thuẫn và khoảng trống trong các cách suy nghĩ và nguyên tắc về quyền con người trong tình dục, đồng thời đề cập một vài nguyên nhân mang tính chính trị và hệ thống, đã góp phần dẫn đến sự kém phát triển trong lĩnh vực này. Sự thiếu rõ ràng, và càng không rõ ràng với sự khác biệt của các luồng tư tưởng khác nhau, đã khiến các quyền tình dục như là một phần gắn kết trong quyền con người không được coi trọng. Việc thiếu tư duy phản biện cũng dễ dẫn đến thực trạng quyền tình dục bị sử dụng cho mục đích hạn chế sự đa dạng của con người và công bằng trên toàn cầu. Như Gayle Rubin đã viết cách đây gần 25 năm, ‘ thật khó để có thể đưa ra những quyết định như vậy [những chính sách gì về tình dục cần được ủng hộ và những chính sách gì cần bị phản đối] khi mà chúng ta không có một hệ thống gắn kết có tư duy trong suy nghĩ về tình dục. "
Báo cáo đưa ra các ví dụ trong lịch sử và tình hình thực tiễn để tập trung vào các câu hỏi chưa được giải đáp về các nguyên tắc về quyền con người chi phối tình dục. Báo cáo tranh luận rằng, xem xét sự thực thi quyền con người - vận động chính sách, nghiên cứu và ghi chép tư liệu, nghiên cứu luật pháp - cho thấy có sự thống nhất về khung khái niệm lý thuyết trong một vài chủ đề hay nguyên tắc, nhưng lại có sự im lặng và bất đồng trong các hoạt động cốt lõi về quyền tình dục hiện nay. Câu hỏi trọng tâm của báo cáo là: các hoạt động về quyền con người liên quan đến tình dục nên được phát triển dựa trên những nguyên tắc nào, theo những thỏa thuận chuẩn mực nào hay theo những quy định pháp luật nào?
Trong các hoạt động về quyền con người thì vận động chính sách, ghi chép báo cáo và các khung pháp lý có mối quan hệ tương hỗ. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa ghi chép báo cáo với các khung pháp lý kiểm soát tình dục. Do vậy, mỗi khi chúng ta muốn có khung pháp lý mới thì chúng ta cần phải rà soát quá trình thu thập thông tin và báo cáo về quyền con người để trả lời các câu hỏi: Liệu các báo cáo này đã có thông tin về tất cả các vấn đề quan tâm về quyền tình dục? Liệu các khung pháp lý đang có đã đủ đề cập các vấn đề này?
Như được lập luận ở Chương II và III, trong quá trình xem xét về quyền tình dục, những khoảng trống, sự im lặng và mâu thuẫn đã nảy sinh. Lùi lại một bước để tìm hiểu các nguyên tắc nhằm giải quyết một số yêu cầu về quyền, chúng ta thấy rằng vẫn còn thiếu những nguyên tắc chung để thúc đẩy các khung pháp lý nhằm khái quát hóa các nghĩa vụ (của nhà nước) trong điều tiết tình dục hiệu quả hơn. Về cơ bản, sự thiếu hụt các nguyên tắc chung này đang cản trở các khuyến nghị mang tính xây dựng của các tổ chức phi chính phủ và các nhà vận động chính sách, nhằm định hướng và giám sát các can thiệp của nhà nước.
Trích từ Điểm tin Giới và Tình Dục 05/2011
do Trung tâm Ccihp và Oxfam thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét