Trang

Chào mừng bạn đến với Clb Living My Life - Chuyên tổ chức các hội thảo , tập huấn về SKTD và SKSS dành cho cộng đồng cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến LGBT . Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp qua số 0933.89.78.50 hoặc qua nick yahoo: khunglongbebong2805 để được hỗ trợ tận nơi

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

QUYỀN SINH SẢN VÀ TÌNH DỤC CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT: AI HỎI? AI TRẢ LỜI?

Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP), Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), và Viện Phát triển Sức khoẻ Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đồng tổ chức hội thảo vệ tinh “Quyền sinh sản và tình dục của Người Khuyết Tật: AI HỎI? AI TRẢ LỜI?”trong khuôn khổ chương trình Hội nghị quốc gia về Tình dục và Sức khoẻ năm 2012.

Quyền sinh sản và tình dục của NKT: AI HỎI? AI TRẢ LỜI?

Ở Việt Nam, người khuyết tật (NKT) chiếm một tỷ lệ khá lớn, dao động từ 6-15% tuỳ theo định nghĩa về NKT mà các nghiên cứu sử dụng. Hiện tại, các vấn đề về học tập, việc làm, tiếp cận công nghệ, chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho NKT ngày càng nhận được sự quan tâm của nhà nước và xã hội, tuy nhiên, các khía cạnh liên quan đến tình yêu, hôn nhân, sinh con, và đời sống tình dục của họ hầu như không được chú ý.



    Trong bối cảnh này, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP), Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), và Viện Phát triển Sức khoẻ Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đồng tổ chức hội thảo vệ tinh “Quyền sinh sản và tình dục của NKT: AI HỎI? AI TRẢ LỜI?” trong khuôn khổ chương trình Hội nghị quốc gia về Tình dục và Sức khoẻ năm 2012.

102 người, trong đó gần 50 người là NKT đến từ ba miền tổ quốc cùng với các nhà hoạch định chính sách, những người làm chương trình, các nghiên cứu viên và những người quan tâm khác đã có mặt trong hội thảo vệ tinh này. 

Khai mạc hội thảo, bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên thứ trưởng bộ giáo dục đào tạo, chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam đã nhấn mạnh“Quyền sinh sản và tình dục của người khuyết tật là một vấn đề rộng và bao gồm nhiều lĩnh vực. Chúng ta không chỉ nói đến vai trò của y tế mà cả vai trò của truyền thông, trách nhiệm và nghĩa vụ của các ban ngành và đặc biệt vấn đề giáo dục về khuyết tật và quyền sinh sản, tình dục của người khuyết tật trong trường phổ thông, trong trường đại học, trong xã hội là vô cùng quan trọng.”

   Hội thảo gồm có 4 tham luận với hai nghiên cứu và hai mô hình can thiệp. Tham luận đầu tiên, một nghiên cứu định tính, của chị Nguyễn Hồng Hà, một phụ nữ khuyết tật vận động đến từ Trung tâm Sống độc lập cho thấy rằng mong muốn được yêu thương, được chăm sóc, được quyền hạnh phúc của người làm vợ, làm mẹ là mong ước thực sự của các phụ nữ trong nghiên cứu, tuy nhiên đó vẫn chỉ là mong ước bởi vì cơ hội tình yêu và hôn nhân của các phụ nữ khuyết tật rất hạn chế. Nhiều phụ nữ khuyết tật trong nghiên cứu đã kìm nén những khao khát bản thân và coi hạnh phúc là một cái gì đó xa vời vợi với họ. Tham luận tiếp theo đưa ra các dữ liệu định lượng của Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số về những rào cản trong việc thực hiện quyền sinh sản và tình dục của NKT theo ba cấp độ: cá nhân, gia đình và cộng đồng – xã hội. Ở cấp độ cá nhân, tự bản thân NKT kỳ thị với mình và NKT chưa nhận thức được các quyền SKSSTD của họ và vận dụng quyền này trong thương thuyết. Ở cấp độ gia đình, tỷ lệ NKT gặp phản đối trong tình yêu và hôn nhân của NKT cao, lần lượt là 49,51% và 40%. Ở cấp độ cộng đồng – xã hội, nhiều người còn tỏ thái độ kỳ thị với NKT khi họ đi chơi với người yêu; tỷ lệ bị chế giễu về ngoại hình và các khả năng liên quan đến tình yêu, tình dục, hôn nhân cao; các kênh thông tin và nội dung thông tin về SKSSTD được cung cấp chưa phù hợp với các dạng khuyết tật; NKT gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ sở CSSKSSTD bao gồm cơ sở hạ tầng và thái độ của cán bộ y tế.

Chị Nguyễn Hồng Hà đang trình bày tại Hội thảo vệ tinh

Tiếp theo là tham luận về mô hình can thiệp giáo dục giới tính cho học sinh khiếm thính do LIGHT thực hiện. Đĩa VCD “Hãy Nghe Cơ Thể Nói” là sản phẩm đầu tiên nói về vấn đề SKSS/SKTD dành cho VTN/TN Khiếm thính ở Việt Nam. Chương trình cũng nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ phía gia đình của các em, giáo viên dạy trong các trường, cán bộ tham gia  dự án (nhân viên, giảng viên, quay phim, đạo diễn, dựng phim…), và giới truyền thông cũng như các ban ngành liên quan. Tham luận cuối cùng là về bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật do Viện nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện. Bộ công cụ nhằm giảm sự kỳ thị và PBĐX đối với NKT, thúc đẩy thực hiện quyền của NKT và hướng tới sự bình đẳng. Bộ công cụ đã được tập huấn sử dụng tới nhiều người ở cấp quốc gia, tỉnh, quận/huyện và phường/xã.

Sau 4 tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều câu hỏi để làm rõ các chi tiết trong các bài tham luận và đưa ra các câu hỏi và thảo luận liên quan đến những giải pháp để tạo cơ hội tình yêu và hôn nhân của những NKT và xoá đi những rào cản trong việc thực hiện quyền sinh sản và tình dục của họ. Dù các ý kiến, câu hỏi khác nhau, các đại biểu đều thống nhất rằng đây là một vấn đề cấp thiết và cần có những hành động cụ thể sau hội thảo để xúc tiến việc thừa nhận và thực hiện quyền được yêu, được có con, được kết hôn và được có một đời sống tình dục an toàn và thoả mãn của NKT. Thời gian hội thảo đã không đủ để các đại biểu chia sẻ các băn khoăn, trăn trở của mình, những điều mà như một số đại biểu chia sẻ "chưa bao giờ được nói". Ban chủ toạ đã phải xin lỗi nhiều đại biểu vì đã không thể đáp ứng những cánh tay của họ đã giơ lên xin phát biểu dù đã phải kéo dài thời gian phiên họp thêm gần một tiếng. 
 Phiên dịch viên ngôn ngữ đang phiên dịch tại Hội thảo vệ tinh
Những trao đổi trong hội thảo không chỉ hữu ích với NKT hay các tổ chức làm việc trực tiếp với NKT, đại biểu ở các viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã rất ấn tượng với những chia sẻ trong hội thảo. Chị Thanh Mai đến từ khoa công tác xã hội của Đại Học sư phạm cho biết: “Cảm ơn các quý vị ở đây đã cung cấp cho tôi những thông tin vô cùng hữu ích. Những thông tin mà các quý vị chia sẻ sẽ giúp tôi định hướng, bổ sung cũng như hoàn thiện cuốn tài liệu về công tác xã hội với NKT vì khoa công tác xã hội đã có tập bài giảng này rồi nhưng vấn đề sinh sản và tình dục của NKT thì chưa được đề cập đến. Chắc chắn sau buổi ngày hôm nay thì chúng tôi về sẽ có sự điều chỉnh và hoàn thiện tài liệu.”

Bế mạc Hội thảo, Bà Hoàng Tú Anh, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số phát biểu:“Chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm để quyền sinh sản và tình dục của NKT được nhìn nhận và thực hiện. Việc này cần có sự chung tay của các ngành, các cấp khác nhau và của toàn cộng đồng chứ không chỉ của những NKT và những người làm việc với NKT. Hội thảo này mới chỉ là bước khởi đầu để kêu gọi sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, những nhà nghiên cứu, những người thực hiện chương trình và các tổ chức và cá nhân khác tới vấn đề sinh sản và tình dục của NKT. Chúng tôi mong muốn rằnghọ sẽ có những hành động khẩn trương và thực tiễn để giúp cho NKT có được đời sống sinh sản và tình dục khoẻ mạnh và giúp họ thực hiện được các quyền sinh sản và tình dục của mình.”

Các đại biểu trong hội thảo cũng thống nhất ý kiến về bản Kêu gọi hành động: Nhìn nhận và thực hiện Quyền Sinh  sản và Tình dục của Người khuyết tật sẽ được các đại diện của NKT đọc vào phiên bế mạc Hội nghị quốc gia về tình dục và sức khoẻ 2012.

Vinh Nguyen 
Link: http://ccihp.org/index.php/news/6/126/431/Quyen-sinh-san-va-tinh-duc-cua-NKT-AI-HOI-AI-TRA-LOI.html
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét