Tuanvietnam - “Các
nhà làm luật thường xuyên kêu ca, vấn đề người đồng tính đang gây khó
cho họ. Nhưng quan điểm của tôi, chính những nhà làm luật đang gây khó
cho họ”.
Cuối
năm 2010, cư dân mạng được dịp xôn xao với clip đám cưới của cặp đồng
tính nữ Hà Nội. Đây có thể coi là cặp đôi đồng tính đầu tiên tổ chức đám
cưới công khai tại Việt Nam. Tiếp đó, đầu tháng 6/2011, cặp đôi đồng
tính nam Phi và Pin mới vừa tổ chức đám cưới tại Sài Gòn.
Tình
yêu đồng giới được nhắc đến nhiều tại Việt Nam khoảng một thập kỷ nay.
Dù không được chính thức công nhận, nhưng khái niệm ‘giới tính thứ ba’
đã trở thành một bộ phận nhỏ trong xã hội. Nhưng để tiến đến việc hợp
thức hóa mối quan hệ, được pháp luật bảo hộ lại là một bước tiến mới,
đang gây ra nhiều hướng dư luận trái chiều.
Cần nhận thức đúng đắn về vấn đề đồng tính
Hai
đám cưới đồng tính gần đây được dư luận đặc biệt chú ý. Có người cho
rằng đó là dấu hiệu tốt để xã hội cởi mở hơn, có người cho rằng đó là sự
bồng bột ‘a dua’ của một vài bạn trẻ. Từ góc độ nhà khoa học, ông/bà có
ý kiến gì về việc này?
Thạc sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE): Từ
trước đến nay vấn đề tình yêu và hôn nhân đồng tính vẫn được coi là đề
tài ‘nhạy cảm’, có rất nhiều hướng dư luận về vấn đề này. Đặc biệt sau
sự kiện hai đám cưới đồng tính công khai.
Có
hai quan điểm rất đáng chú ý: một là của GS, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết
cho rằng nên sớm có Luật hôn nhân cho người đồng tính; ngược lại PGS, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình lại cho rằng người đồng tính chưa được thừa nhận ở VN và “phải phân tích cho họ thấy họ đã ngộ nhận, đã đua đòi... rồi từ đó, dần dần kéo họ quay về".
Hai
quan điểm trên đều được phát ngôn bởi hai người có uy tín trong xã hội,
đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, đương nhiên có những ảnh
hưởng lớn đến xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có những phân tích
rõ ràng về vấn đề này.
|
Cặp đôi Minh Quang và Thùy Linh trong ngày cưới, tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2010 |
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Đồng Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDC): Là
một người đồng tính ở Việt Nam phải trả giá rất nhiều. Tại sao phải
khoác vào người sự kỳ thị của xã hội, cha mẹ buồn phiền từ bỏ. Tại sao
họ phải làm tất cả những việc đó nếu họ không thật sự muốn như vậy. Thực
tế đã có những người đồng tính khi bị cha mẹ phát hiện đã bị nhốt, bị
cách ly; thậm chí bị đánh đập khiến họ bị trầm cảm hay tự tử.
Tiến sĩ Lê Bạch Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDC): Ở
Việt Nam, thông tin trên báo chí là chính thống, có sức lan tỏa rất lớn
trong xã hội. Nếu không thận trọng trong việc đưa thông tin, sẽ dẫn đến
những lầm lẫn nghiêm trọng. Với định kiến của người đưa thông tin, dẫn
đến việc dán nhãn, quy kết những người đồng tính là công dân hạng hai,
những người có vấn đề về đạo đức, gây nguy hiểm cho xã hội.
Từ
chuyện hai đôi đồng tính kết hôn, mới nảy ra chuyện tranh cãi, liệu xã
hội có chấp nhận chuyện này hay không, và nếu chấp nhận thì có khung
pháp luật nào chấp nhận chuyện đó hay chưa.
Trong
hai quan điểm trên, đều cần phải phân tích kỹ về mặt khoa học. Riêng
tôi cho rằng, phát ngôn của anh Trịnh Hòa Bình là thiếu căn cứ, cực kỳ
phản khoa học khi cho rằng “phải phân tích cho họ thấy họ đã ngộ nhận, đã đua đòi... rồi từ đó, dần dần kéo họ quay về". Đấy
là điều nguy hiểm nhất, dễ dẫn đến sự can thiệp từ phía nhà nước, xã
hội và gia đình; gây cho người đồng tính những tổn thương.
Ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết rất đáng thảo luận, nó là nhu cầu từ thực tế xã hội hiện nay.
Mỹ
là nước có quan điểm cởi mở. Vấn đề đồng tính cũng được đề cập ở quốc
gia này từ lâu. Nhưng đến ngày 24/6/2011 vừa qua hôn nhân đồng giới mới
chính thức được bang New York thông qua. Đặt vấn đề này ra ở Việt Nam có
quá sớm?
TS Khuất Thu Hồng: Thể
chế xã hội và văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm khác biệt. Ở
Việt Nam, hiểu biết về tình dục nói chung và đồng tính còn hạn chế.
Sự
thiếu hiểu biết đóng vai trò chính. Trong khi ở Mỹ vai trò chính nằm ở
tôn giáo. Nhiều bang ở Mỹ có quan điểm tôn giáo về tình dục rất khắt
khe. Chẳng hạn Thiên Chúa giáo rất phản đối hôn nhân đồng giới. Việc ở
bang này hay bang khác thừa nhận hay chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính
phụ thuộc vào mong muốn của cử tri lên nghị sĩ của bang đó. Câu chuyện
của Mỹ không chỉ dừng lại ở khoa học và xã hội mà mang màu sắc chính trị
nhiều hơn.
TS Lê Bạch Dương: Việt
Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tôn giáo như Mỹ. Người Việt chủ
yếu theo đạo Phật. Tôi thấy quan điểm của Phật Giáo rất uyển chuyển,
không nhất thiết phải phân định phải trái, trắng đen. “Trong trắng có
đen, trong đen có trắng”. Tôi tin chuyện chấp nhận một quan niệm mới sẽ
không vấp phải những lực cản quá lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Nam, Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế: Thực
ra ngay trong những ngày này ở những quốc gia như Mỹ và Canada vẫn có
những tổ chức phản đối hôn nhân và tình dục đồng giới. Ở những nước này
những xung đột về niềm tin, về tôn giáo, về giá trị con người còn mạnh
mẽ hơn ở Việt Nam.
Ở
Việt Nam, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi liệu tình dục đồng tính có
phải là bệnh hay không, có thể lây lan trong xã hội hay không. Tuy hôn
nhân đồng tính vừa mới được bang New York thông qua, nhưng từ năm 1973,
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách những bệnh
liên quan đến tâm thần. Mỹ là quốc gia đi đầu rất sớm, sau đó là Tổ
chức Y tế thế giới cũng loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh từ năm
1990.
Quan điểm bệnh tật hay ‘a dua’ cần phải bị loại bỏ.
|
Cặp đôi Pin Okio và Nel Fi trong đám cưới của họ, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 4/6/2011 |
Khung pháp lý như chiếc áo đã chật
Đặt vấn đề công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới thời điểm này, ông/bà có tính đến những phản ứng từ xã hội?
TS Khuất Thu Hồng: Trước
đây chúng ta cũng đã từng không chấp nhận con ngoài giá thú. Chỉ những
đứa trẻ được sinh ra bởi những cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn mới được
khai sinh. Những người phụ nữ sinh con một mình thường gặp nhiều khó
khăn, con họ không được pháp luật thừa nhận.
Nhưng xã hội đã thay đổi. Những đứa trẻ ngoài giá thú đã được thừa nhận, được pháp luật bảo hộ như mọi đứa trẻ khác.
Pháp
luật do con người tạo ra, nó cần được thay đổi, bổ sung để đáp ứng được
sự phát triển của xã hội. Giống như đứa trẻ lớn lên cần những cái áo
mới đáp ứng với sự trưởng thành của nó. Không bao giờ có một bộ luật đáp
ứng được nhu cầu của tất cả mọi đối tượng, nhưng không có nghĩa là nó
không thể thay đổi.
TS Lê Bạch Dương: Có
một thực tế rất cụ thể: Nhiều địa phương đã có các câu lạc bộ cho người
đồng tính và được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, dưới sự
bảo trợ của Sở Y tế địa phương. Điều đó nói lên rằng, có thể Bộ Y tế
chưa ra được những văn bản chính thức nhưng những người có chuyên môn đã
hiểu câu chuyện và có những động thái cởi mở.
|
TS Nguyễn Thị Thu Nam: Chúng
ta có thể chỉ ra một vấn đề là luật pháp là để bảo vệ phúc lợi của con
người. Tôi nghĩ đó cũng là một mục tiêu điển hình mà các cơ quan tổ chức
đã đấu tranh về vấn đề giới. Hiện nay vẫn có tình trạng có sự hiểu sai
lệch và hành động sai lệch với người đồng tín. Điều đó chắc chắn không
đúng với tiêu chí của một xã hội văn minh.
Nhưng
quan niệm lâu đời của xã hội Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói
chung là lấy vợ lấy chồng để truyền giống, sinh con đẻ cái. Công nhận
hôn nhân đồng giới cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại quan niệm này
và pháp luật hiện hành?
TS Lê Bạch Dương: Có
một vấn đề các nhà làm luật thường xuyên kêu ca, vấn đề người đồng tính
đang gây khó cho họ. Nhưng quan điểm của tôi, chính những nhà làm luật
đang gây khó cho họ. Những người đồng tính không phải đối tượng gây rối
hay làm ảnh hưởng đến xã hội. Trái lại, khi hôn nhân đồng tính được pháp
luật thông qua sẽ giúp những người đồng tính sống có trách nhiệm hơn,
ổn định hơn khi những vấn đề của họ sẽ được giải quyết rõ ràng, đúng đắn
trong khung pháp lý.
TS Nguyễn Thị Thu Nam: Hai
đôi đồng tính tiên phong tổ chức đám cưới là để tất cả cùng nghiêm túc
suy nghĩ về giá trị hôn nhân của người đồng tính. Đương nhiên sẽ có
những tác động nhất định về mặt xã hội.
Tuy
nhiên, hai đám cưới đó chỉ là phần nổi trong rất nhiều cặp đôi đồng
tính đã đến với nhau. Điều đó cho thấy nhu cầu tổ chức đám cưới để gắn
kết giá trị cuộc sống, cam kết về một cuộc sống ổn định lâu dài. Nếu
Luật hôn nhân bảo hộ cho họ, chắc chắn họ sẽ đăng ký để được pháp luật
bảo vệ.
TS Khuất Thu Hồng: Những
người đồng tính muốn kết hôn là những người rất có trách nhiệm. Họ muốn
được bình đẳng như tất cả những người khác. Hơn nữa người đồng tính chỉ
có một tỷ lệ nhỏ trong xã hội. Tôi cho rằng không phải quá lo lắng đến
các vấn đề như sinh con hay quan niệm truyền thống này khác. Chúng ta
vẫn có đủ số em bé ra đời, và với sự tiến bộ của y học ngày nay người
đồng tính vẫn có thể có những đứa con của chính họ.
Còn quan niệm xã hội tôi nghĩ sẽ dần dần thay đổi, vì quan niệm nào cũng phải đặt hạnh phúc con người lên trên.
Người
đồng tính là một phần của xã hội. Và điều họ mong muốn được xã hội thừa
nhận và được bình đẳng như tất cả mọi người. Và chúng tôi – những người
làm khoa học về vấn đề này – thấy rằng, đã đến lúc chúng ta phải điều
chỉnh. Chiếc áo pháp lý đã cũ, chật, nó cần được thay đổi để bắt kịp với
sự trưởng thành của xã hội.
Hoàng Hường (Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét