Tôi mê tình nguyện, ham thích các phong trào xã hội. Nó đã ăn sâu vào máu tôi từ khi tôi còn nhỏ. Ngoài việc học trên giảng đường ra, phần lớn thời gian rỗi còn lại tôi đều giành hết cả trí lực, tâm huyết, tấm lòng của mình vào đó. Khi bắt đầu tìm hiểu về những người thuộc thế giới thứ ba, những con người như tôi, dần dần tôi hiểu rõ hơn bản chất con người mình như thế nào… Và hơn hết, tôi học cách chấp nhận nó.
Một lần, tôi quen biết Ray qua mạng. Sau này Ray và tôi và cho đến tận bây giờ vẫn là hai anh em rất thân thiết. Chúng tôi thân nhau sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, bởi ở chúng tôi có những điểm chung và những lý tưởng khá tương đồng. Ray và tôi đều là hai người đồng tính, bản thân chúng tôi, hơn ai hết đều hiểu rõ: sự kì thị nghiệt ngã mà xã hội dành cho chúng tôi là như thế nào!
Với một mong muốn cải thiện cái nhìn của xã hội về những người đồng tính, anh em tôi đã cùng nhau thành lập một diễn đàn giành cho cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính luyến ái và chuyển giới ở một thành phố biển. Đây là mái nhà chung cho những người như chúng tôi tìm đến kết bạn, chia sẻ, an ủi, động viên nhau. Chúng tôi lấy từ thiện và các hoạt động giao lưu làm chìa khóa giúp mọi người gắn kết hơn.
Tôi và Ray đã làm được điều đó sau hơn một năm hoạt động và phát triển. Rồi chúng tôi có thêm nhiều người bạn mới, thậm chí là bạn bè nam, nữ dị tính. Họ hiểu, cảm thông cho chúng tôi. Họ tìm đến để sẻ chia, để đồng cảm, gần gũi, giúp đỡ và để yêu thương. Gia đình của một số người trong họ cũng có người thân giống chúng tôi.
Nhưng khi đó tôi chỉ mới 20 tuổi. Một cái tuổi chưa thực sự đủ lớn, đủ chín chắn và mạnh mẽ trước những sóng gió ập đến của cuộc đời này. Với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của diễn đàn tôi lập ra, tôi đã nhận không ít những điều thị phi của người đời, những lời cay nghiệt, đay nghiến của họ, thái độ kì thị, xem thường, khinh bỉ, ganh ghét, họ đã đàm tiếu những điều không hay nhằm hạ uy tín cũng như bêu xấu chúng tôi.
Kể từ đó, chúng tôi đi đến đâu, trong những buổi từ thiện, tình nguyện offline cũng đều nhận những câu bĩu môi, nói xấu sau lưng, đại loại như: Pê-đê mà cũng bày đặt cứu nhân độ thế, coi chừng tụi nó bỏ bùa ai đó, nhận quà tụi nó mang nhục, thà vứt đi còn hơn…”.
Tưởng chừng chỉ dừng lại thế thôi, họ còn gửi thư nặc danh tố cáo đến công an. Họ dùng những lời miệt thị và cay nghiệt đến mức xúc phạm. Nếu như là người khác, họ đáng lý ra đã bị khởi kiện ra tòa. Nhưng đằng này, chúng tôi không nhận được sự cảm thông hơn từ phía công an, cũng như phần đông người dân, công an cũng nhìn chúng tôi như một lũ bệnh hoạn, và tôi… cầm đầu một lũ bệnh hoạn.
Lần đó, ở thành phố tôi xảy ra một vụ cướp, tôi nghe nói có một nhóm đồng tính đã giết chết bạn tình rồi cướp tiền tẩu thoát, một số tiền khá lớn gồm ba vali tiền ngoại tệ. Vậy mà những người làm điều tra, làm hình sự, họ đưa tôi vào nghi vấn mặc dù không hề có chút bằng chứng nào là tôi có thể có mặt ở nơi đó. Họ cho rằng tôi cầm đầu tổ chức đó, chi phối và đứng đằng sau điều hành những điều đó. Những điều như thế, tôi nghe được từ lời nói của ba tôi…
Ba tôi là một viên chức nhà nước và ông có những mối quan hệ xã hội khá rộng, tôi không muốn bàn tới chức vụ mà ông đang làm, nhưng với các chức danh ấy, chỉ cần nhất cử nhất động của tôi ở thành phố này sẽ có người báo cáo cho ông rõ. Tôi nhớ lúc đó, bạn của ông, người trực tiếp thụ lý vụ án đó, đã điều tra về tôi, gắn kết cho tôi những điều hết sức vô lý mà bản thân tôi chưa hề làm: nào là tôi cầm đầu một tổ chức pê-đê thành phố có lối sống bệnh hoạn, đã bị phản ánh nhiều lần, chúng tôi tổ chức những chương trình chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương và gây phản cảm trong dư luận, lối sống của tôi lệch lạc và sai lầm gây ảnh hưởng đến ba tôi. Và họ đang tìm bằng chứng buộc tội tôi, ép tôi vào những tội danh phi lý, thậm chí đã nói chuyện với ba tôi rằng sẽ tìm cách đưa tôi vào trại giáo dưỡng những thanh thiếu niên hư hỏng.
Tôi đã suy sụy tinh thần thực sự. Tôi thấy mình bị làm mất cả danh dự và nhân phẩm. Thà tôi giết người, cướp của, tôi làm những điều khiến trời đất này không thể tha thứ, thì những lời cay nghiệt đó giành cho mình có lẽ đã không sai. Nhưng bạn thử nghĩ xem, một cậu bé chỉ mới 20 tuổi, từng nhiều lần đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi, được tuyên dương ở Đoàn phường về lối sống tốt đẹp, cống hiến hết lòng cho xã hội và luôn lấy tình nguyện làm châm ngôn sống cho mình thì những điều đó giành cho tôi, thật sự có công bằng? Nhưng những điều làm tôi thấy mình bị xúc phạm, bị oan ức, bị suy sụp không nặng nề bằng ánh mắt và cách nhìn của ba mẹ tôi lúc ấy.
… Mẹ tôi suốt ngày chỉ khóc, thui thủi một xó, đầu tóc rối bù. Hằng đêm bà thắp nhang trước bàn thờ, khấn trời khấn phật như cố ý nói cho tôi nghe thấy: “Lạy ông bà ơn trên có linh thiêng, lạy đức phật bà quan thế âm, gia đình con có làm nên tội tình gì mà con trai con lại hư hỏng thế này, xin đấng linh thiêng ở trên có nghe thấu nỗi lòng con, thì hãy giải trừ bùa ngải trong lòng của con con, để nó sớm nhận ra những sai trái của nó, chứ không thì con không thể nào sống nổi …”
Mỗi lần mẹ khấn, mẹ khóc, thì lòng tôi như có ngàn mũi dao đâm sâu vào tim. Tôi không thể nào nói, không thể nào lên tiếng và chẳng có một chút lý do nào để biện minh cho mình. Chẳng lẽ nói với mẹ tôi rằng con là gay, con không hề bệnh hoạn, điều con làm là đúng đắn. Mẹ tôi liệu lúc đó có chấp nhận không, có hiểu thấu cho lòng tôi không?
Còn ba tôi, một người mạnh mẽ như ông cũng chỉ biết khóc lặng. Tôi nhớ ánh mắt ông nhìn tôi mỗi bữa cơm gia đình là một ánh mắt buồn và thất vọng. Tôi đã phải sống trong nỗi buồn và sợ hãi ấy suốt bảy tháng trời, không thể ra ngoài đường, cũng không thể nói với ai, chỉ thui thủi một mình câm lặng. Mỗi ngày, tôi đều nhận được những cú điện thoại từ phía họ hàng, dì cậu, cô chú biết chuyện của tôi, họ điện thoại trách móc, rồi khuyên bảo. Nhưng nào họ có hiểu cho tôi. Sau mỗi lần nghe là mỗi lần tôi tự đập đầu vào tường… tôi lại khóc. Nước mắt vô hình làm cho nỗi đau trong tôi thêm nhiều hơn. Tôi thậm chí thấy mình quá sức mệt mỏi, sự chịu đựng như phải gánh trong mình quả núi nặng ngàn tấn và trong người thì mang trái tim vô cảm, tật nguyền không thể bị thương tổn hơn nữa.
Trong khoảng thời gian ấy, có lúc tôi sống như một quán tính, chẳng thể hiểu mình đã làm thế nào để sống một đời sống thực vật như vậy: Suốt ngày câm lặng, nghe những tiếng khóc, tiếng oán trách, trách móc từ phía gia đình, người thân … Tôi tự nhiên thấy mình xấu hổ, sợ sệt người đời. Tôi sợ ai đó biết về tôi như thế, sợ mọi thứ, nỗi sợ vô hình vào hằng đêm, những cơn ác mộng làm tôi tỉnh giấc giữa khuya, và như một thói quen, tôi lại ôm gối khóc. Những giọt nước mắt tuôn ra không thể đủ, không thể làm xoa dịu cho những nỗi niềm tôi đang trải qua, nhưng tôi biết tôi phải khóc, vì lúc này, chỉ có mỗi nước mắt là bạn của tôi mà thôi.
Câu chuyện đã xảy ra gần hai năm, cho đến tận bây giờ, khi đã vượt qua được nó, thì cái vết nhơ nhuốc ấy trong mắt gia đình, ba mẹ vẫn là một điều khiến tôi thực sự mỏi mệt. Đã nhiều lần tôi muốn tìm đến cái chết, nhưng khi nhìn lại hình ảnh mẹ khóc giữa đêm, hình ảnh ba tôi với ánh mắt buồn nhìn tôi thất vọng, tôi tự hứa với lòng phải cố gắng sống tốt hơn nữa, để lấy lại lòng tin từ phía gia đình.
Nhưng để đánh đổi lại điều đó, tôi đã phải mất khá nhiều điều cho bản thân tôi. Tôi đánh mất đi con người tôi, một con người luôn lạc quan, yêu đời. Giờ đây, tôi sống khép lòng hơn, khép mình lại giữa những hân hoan của cuộc sống này. Tôi đánh mất niềm tin, sự kì vọng, và vô hình tạo một vết ố đen về tôi trong mắt gia đình. Tôi nào muốn thế nhưng tôi phải học cách chấp nhận, mặc dù điều đó không phải là sự thật giành cho tôi.
Tôi lại trở về, là một thằng con trai bình thường trong mắt ba mẹ tôi. Tôi biết, khi chấp nhận sống lại cuộc sống khép mình, tôi phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng biết đến bao giờ, xã hội này, có cái nhìn đúng đắn và thoáng hơn giành cho những người như chúng tôi? Những con người trót mang một khuyết tật nơi trái tim.
“Khuyết tật nào cũng đáng thương, sao khuyết tật trái tim lại bị ruồng bỏ”
Trai Miền Biển
Câu chuyện được trích từ Những câu chuyện chưa được kể
do Trung tâm Ccihp thực hiện và in ấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét