Trang

Chào mừng bạn đến với Clb Living My Life - Chuyên tổ chức các hội thảo , tập huấn về SKTD và SKSS dành cho cộng đồng cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến LGBT . Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp qua số 0933.89.78.50 hoặc qua nick yahoo: khunglongbebong2805 để được hỗ trợ tận nơi

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

NHỐT HƯƠU, ĐUỔI HƯƠU HAY VẼ ĐƯỜNG CHO HUƠU CHẠY

Trong hai thập kỷ qua, giáo dục tình dục (GDTD) trở thành một đề tại phổ biến trên các diễn đàn xã hội ở Việt Nam và TN/VTN hiển nhiên được xem là đối tượng của giáo dục tình dục. Câu hỏi đặt ra trong các thảo luận là “Có nên vẽ đường cho hươu chạy?”.  Mặc dù cho đến nay, các cuộc tranh luận vẫn chưa đạt được sự đồng thuận nào nhưng ‘hươu’ thì vẫn tiếp tục chạy. 
Với bối cảnh đó, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Viện nghiên Phát triển Xã hội (ISDS) đồng tổ chức Hội nghị Quốc gia về Tình dục và Sức khỏe lần 2 vào ngày 10-11/08/2012 tại Hà Nội với nội tiêu đề: Giáo dục tình dục: Nhốt hươu? Đuổi hươu hay vẽ đường cho hươu chạy? Hội nghị nhằm thảo luận về nhu cầu cấp thiết của GDTD và đề ra những giải pháp cho GDTD cho các nhóm đối tượng khác nhau. Đây cũng là cơ hội cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động xã hội chia sẻ kinh nghiệm và gắn kết nhằm vận động chính sách một cách hiệu quả.


Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ 20 tỉnh thành trong cả nước, đại diện cho các cơ quan chính phủ như Cục phòng chống HIV/AIDS, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em, Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học, Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các trường đại học, trường phổ thông, cơ quan báo chí và  cộng đồng.
. Chương trình Hội  nghị bao gồm: 
• 4 phiên toàn thể: Hướng tới Mục tiêu thiên niên kỷ về Dân số và Phát triển (ICPD +20); GDTD trong trường học; Vai trò của xã hội dân sự trong thúc đẩy các sáng kiến về giáo dục tình dục; Giáo dục tình dục: hướng tới tương lai.

• 9 phiên song song: Nghiên cứu về quan niệm và thực hành tình dục; GDTD tại trường phổ thông; Vai trò của truyền thông trong GDTD; GDTD trong trường đại học; Bạo lực tình dục; GDTD tại khu vực miền núi; Vai trò của công nghệ trong GDTD; GDTD đối với các nhóm đặc biệt; Các sáng kiến can thiệp về GDTD;

• 2 phiên vệ tinh: Giới, Tình dục và Nguy cơ HIV: Một số nghiên cứu trong nhóm MSM ở Việt Nam;  Quyền sinh sản và tình dục của người khuyết tật: Ai hỏi? Ai trả lời?

Ở Việt Nam, tình dục thường được gắn với hôn nhân và gia đình cho mục đích sinh sản và duy trì nòi giống.
Bên cạnh đó, các yếu tố về mặt y học và sinh học luôn đóng vai trò quan trọng trong các thảo luận về các vấn đề liên quan đến tình dục. Vai trò của ý nghĩa và giá trị trong hành vi và thực hành tình dục không được hiểu đầy đủ trong rất nhiều trường hợp. Đạo đức xã hội vẫn được coi trọng hơn là vấn đề quyền trong việc phán xét các hành vi và thực hành tình dục. Câu hỏi đặt ra là: Khung làm việc của giáo dục tình dục tại Việt Nam là gì? Và khung này ảnh hưởng đến cách xây dựng và thực hiện GDTD tại Việt Nam như thế nào? Vai trò của Xã hội dân sự trong việc thúc đẩy giáo dục tình dục tại Việt Nam ra sao và chúng ta sẽ hướng tới tương lai như thế nào? 


Các nghiên cứu và thảo luận trong Hội nghị cho thấy giáo dục tình dục tại Việt Nam không được đề cập một cách rõ ràng và không sử dụng khái niệm ‘giáo dục tình dục’. Nói về tình dục nhưng thường người ta lại che đậy dưới các vỏ bọc của các chủ đề liên quan như môn sinh học, dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV. Phương pháp giảng dạy thì cổ điển với những thông điệp mang tính áp đặt, điều này làm cho vị thành niên/thanh niên cảm thấy bối rối và không muốn đặt câu hỏi hay thảo luận với giáo viên. Trong gia đình, cha mẹ có xu hướng né tránh trước những câu hỏi liên quan của con cái nhưng lại tỏ thái độ cấm đoán chúng. Trong khi vị thành niên/thanh niên đang có nhu cầu thực sự trong việc tìm hiểu về tình dục thì nhà trường và gia đình lại không tạo cơ hội cởi mở và thân thiện cho họ. Do đó, thanh thiếu niên tìm đến các nguồn thông tin không chính thống khác như internet hoặc học hỏi từ bạn bè. 
Giới và đa dạng tình dục không được hiểu đúng và lồng ghép vào hệ thống giáo dục chính thống. Ngoài ra, sự không nhạy cảm của báo chí cũng góp phần làm tăng thêm kỳ thị đối với các nhóm tình dục thiểu số. Do đó, rất nhiều trường hợp bạo lực giới đối với nhóm LGBTQI đã xảy ra trong trường học. Bên cạnh đó, tình dục người khuyết tật cũng chưa được quan tâm đúng trong các trường giáo dục đặc biệt. Hiện mới chỉ có một số mô hình thí điểm với quy mô nhỏ tại một số trường học này. Giáo dục tình dục cho người dân tộc thiểu số hiện chủ yếu được thực hiện bằng tiếng Kinh và chưa nhạy cảm với văn hóa của họ. Tại Hội nghị này, không có một nghiên cứu hay can thiệp nào về tình dục của người cao tuổi được đăng ký trình bày. Đây là những khoảng trống cần phải được lấp đầy trong thời gian tới. 
Phiên toàn thể về ‘Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy các sáng kiến về giáo dục tình dục’ với sự tham gia của các khách mời Ông Đỗ Hữu Thủy – trưởng phòng truyền thông huy động cộng đồng cục phòng chống HIV/AIDS – Bộ y tế, Bà Đỗ Thị Vân – Trưởng ban tổ chức cán bộ Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, Bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc CCIHP, Bà Nguyễn Thu Giang -  Viện trưởng viện phát triển cộng đồng Ánh sáng, bà Nguyễn Vân Anh – chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA và đại diện thanh niêu tiêu biểu bạn Nguyễn Văn Đạt đã trở thành phiên sôi nổi nhất tại Hội nghị. Kết thúc phiên họp, các đại biểu đều nhất trí với ý kiến rằng các tổ chức xã hội dân sự cần được xem là đối tác của nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là ‘cánh tay nối dài của nhà nước’, đồng thời vai trò của các tổ chức xã hội dân sự không chỉ là thực hiện các chương trình mà còn có chức năng giám sát chính sách và chương trình. 
Phiên khuyết tật về ‘Sức khỏe tình dục của người khuyết tật: Ai hỏi? Ai trả lời?’ trở thành một điểm nhấn của Hội  nghị. Phiên họp này đã thu hút hơn một nửa số đại biểu của Hội nghị tham dự và người chủ tọa đã phải rất vất vả mới dừng được cuộc thảo luận đúng thời gian cho phép bởi đã có rất nhiều người muốn chia sẻ suy nghĩ của họ. 
Một điểm quan trọng của Hội nghị năm nay đó là sự tham gia và đóng góp ý kiến rất tích cực của các bạn thanh niên. Hơn 40 thanh niên đại diện của các mạng lưới và các nhóm khác nhau bao gồm sinh viên, người sống chung với HIV, LGBTQI, người khuyết tật, v.v đã tham dự Hội nghị và đưa tiếng nói của mình trong tất
cả các phiên họp. 
Giới thiệu tài liệu hội nghị quốc gia về Tình dục và Sức khoẻ

  Tại buổi bế mạc hội nghị, đại diện của thanh niên và người khuyết tật đã đọc Tuyên bố của thanh nhiên về giáo dục tình dục và Kêu gọi hành động về quyền tình dục của người khuyết tật. Tiếp đó, màn trình diễn nhảy flash mob của các bạn thanh niên đã khuấy động sân khấu của Hội nghị và thu hút sự hưởng ứng của tất cả mọi người. Hội nghị kết thúc với không khí đầm ấm và xúc động trong khán phòng, các đại biểu đã cùng nắm tay và hát vang bài hát ‘Nối vòng tay lớn’ thay cho lời cam kết hành động thúc đẩy quyền được giáo dục tình dục trong tương lai.

Trích từ Điểm tin Giới và Tình Dục (12/2012)
do Trung tâm CcihpOxfam thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét