Có nhiều lúc, tôi đã từng nghĩ mình sẽ sáng tác ra một bài hát thật hay để dành tặng cho một ai đó mà mình yêu thương. Hay giản đơn, nếu tôi là ca sĩ, tôi sẽ cất tiếng ca du dương reo vui để mang lại nhiều nụ cười hơn cho mọi người. Nhưng tôi chẳng thể làm được những điều đó, thậm chí cũng chẳng thể vẽ lại một bức tranh hạnh phúc dành tặng ai kia. Hôm nay, tôi chỉ có thể dám viết, đôi dòng về một kỉ niệm trong quá khứ không hẳn mấy là vui. Tôi chỉ hy vọng, với những con chữ nhỏ tí ti này, sẽ mang đến một nụ cười và niềm hạnh phúc. Tôi cũng mong anh sẽ bao dung mà tha thứ cho cái xã hội đầy rẫy sự bất công này.
Thật khó để lôi ra những ký ức của mình để kể cho ai đó nghe, và với những ký ức buồn thì lại càng khó hơn. Bởi mỗi lần đem nó ra để khơi lại, trong khi bạn đã cố chôn chặt hay vùi sâu nó trong một ngóc ngách nào của trái tim, thì nó sẽ trở thành những giọt nước mắt chỉ chờ trực trào trên má.
Hôm nay là vừa tròn hai năm ngày anh mất. Nếu không vì một lời hứa sẽ viết về câu chuyện của anh, chắc là tôi sẽ chẳng lôi nó ra làm gì. “Nhưng anh à, em hy vọng những gì em được viết ra về anh, sẽ cho mọi người có một cái nhìn đúng đắn hơn và quý trọng anh hơn, dù điều đó em nghĩ sẽ còn mất nhiều thời gian lắm, được không anh?”
Tôi cũng chẳng rõ anh đã làm ở Đoàn phường bao lâu rồi. Chỉ nhớ rằng từ khi quen anh đến khi anh mất, anh vẫn hằng ngày làm những công việc “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”, như bao người vẫn nói đối với một cán bộ Đoàn thanh niên. Suốt những năm tháng ấy, chưa một lần tôi thấy anh tỏ ra buồn bã hay mất đi sự nhiệt huyết của mình trong công việc. Đặc biệt là trong những chiến dịch tình nguyện, trong các phong trào văn nghệ của Thành Đoàn, Tỉnh Đoàn, anh luôn hăng say và sự nỗ lực ấy của anh là nguồn động lực kéo chúng tôi theo anh.
Anh học giỏi, tốt nghiệp đại học luật với tấm bằng khá. Nhưng vì sự hơi nữ tính của anh, dường như mọi công việc tốt giành cho một người xứng đáng như anh đều bị từ chối. Đôi khi anh thường bảo: “Nghề nào cũng tốt em à, anh đang làm một cái nghề không hề dễ dàng gì, bởi nếu có thể đem tiếng cười, tình yêu mua vui cho bao người, với anh như thế đã là một hạnh phúc rồi. Đời mình chẳng mấy khi vui, vậy thì hãy mang lại điều đó cho những người cần nó hơn mình, em hiểu không?”
Tôi còn nhớ rất rõ, anh đã chợt khóc lúc đó, và câu nói ấy luôn ghi sâu trong lòng tôi.
Khi tôi lớn hơn, tôi hiểu rõ hơn về sự kì thị của xã hội giành cho một người như anh, khiến những gì anh đã làm, đã chịu đựng thật sự khiến tôi nể phục và thần tượng anh hơn. Tôi đã từng đánh một thằng bạn khi tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ anh, nó bảo: “… cái thằng pê-đê đó thì có gì mà giỏi, cuối cùng cũng chỉ làm một công việc chẳng ai muốn làm thôi…”
Đôi khi tôi luôn tự hỏi, ngoài sự hơi nữ tính và cử chỉ điệu bộ hơi ẻo lả, thì anh rất chu toàn trong công việc. Những gì anh đã làm, đã cống hiến cho xã hội, sao chưa một lần nào mọi người thừa nhận anh, sao lại cứ bĩu môi, khinh bỉ và tỏ thái độ như là công việc đó tất yếu anh phải làm. Họ thật ích kỷ, thật xấu xa và đáng ghét. Đồng tính là sai sao, là cho dù làm những điều gì có ích cho mọi người, cũng chỉ đáng được đón nhận như vậy thôi sao?
Tôi còn nhớ cái đêm ở trên bản, anh cầm guitar ngồi đàn cho mấy đứa chúng tôi nghe. Mấy bài ca quen thuộc anh vẫn cứ nghêu ngao, đượm buồn:
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai …”
Rồi bài Cát bụi, anh luôn khóc mỗi khi hát nó, giọng ca sâu lắng, nao lòng :
“ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về làm cát bụi …”
Bài hát cuối cùng anh giành tặng riêng tôi, là một bài hát lạ lắm, nhưng giai điệu nhẹ nhàng quá đỗi, anh chỉ cười và nhìn tôi : “Nghe nhé nhóc, tặng riêng em đó”.
“ … Người sẽ đến và người sẽ về bên kia núi Từng câu nói là từng cánh buồm rong cuối trời Còn lại tiếng cười, khóc giữa đời …”
Đó là lần cuối cùng tôi còn được thấy anh cười – nụ cười hồn nhiên và hoang sơ. Sáng hôm sau, trong chiến dịch phòng chống và tuyên truyền HIV, anh đã bị mấy người nghiện chích lấy ống kim tiêm có dính máu của họ đâm vào người, khi anh đang cố gắng gỡ từng cây kim còn hoen rỉ máu đang cắm dính trên những cây chuối.
“ Làm cái gì mà ngu vậy, hăng hái làm chi cho nó đâm vào, … cho đáng đời”
Tôi đã thấy anh buồn, nhưng vẫn gượng cười và im lặng. Tôi thấy bất bình, tôi thấy bất công cho anh quá, họ nói sau lưng anh, tôi đã nghe được: “Thằng đó nó ẻo ẻo như đàn bà, ba cái đồ pê đê đụng vào bị lây nữa, nó chắc bị dính si đa rồi, đừng đụng vô nó…”, từ miệng những vị làm y đức cứu người.
Tất nhiên, nếu làm to chuyện thì chiến dịch năm đó sẽ được đăng đầy báo chí, thế nên cho dù thế nào, anh cũng được điều trị và chăm sóc. Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, sau này khi trở về, một ai đó đã đồn ác mồm ác miệng rằng anh bị si da. Và những người trong xóm anh đã có thái độ ghét anh từ xưa khi biết anh đồng tính, họ viện cớ chặn đánh anh thường xuyên, cách ly anh.
Tôi đã không hề biết điều đó. Khi tôi vô Sài Gòn học, một đêm dài, tôi nhận được tin nhắn của nhỏ bạn: “T ơi, anh C chết rồi, nghe nói anh bị đánh đập, anh bị dập lá lách và tử vong ngay trong phòng cấp cứu vì vỡ động mạch chủ …”. Tim tôi như rụng rời, tôi bàng hoàng, đau đớn nhiều lắm!
Tại sao vậy? Tại sao cuộc đời này bất công và tàn nhẫn quá vậy? Chỉ bởi một con người sinh ra không hoàn thiện về bản năng đàn ông thì luôn bị đối xử như vậy sao? Tôi đã ước những người hành hung anh, những người có thái độ không công bằng với anh và với những người như anh có thể thấy được hình ảnh mẹ anh ôm di ảnh của con trai mình chết đi sống lại nhiều lần, bà ngất lịm đi trong tiếng thét. Chúng tôi, những đứa yêu mến anh, chỉ dám nhìn di ảnh anh rồi ôm nhau khóc.
Còn anh vẫn cười, vẫn hiền từ, vẫn khuôn mặt hạnh phúc ấy trên tấm ảnh, bao dung nhân hậu hơn ai hết. Và đâu đó, vẳng trong tai tôi lời bài hát đượm buồn:
“ … Người sẽ đến và người sẽ về bên kia núi Từng câu nói là từng cánh buồm rong cuối trời Còn lại tiếng cười, khóc giữa đời …”
Trai Miền Biển
Câu chuyện trích từ Những câu chuyện chưa được kể
do Trung tâm Ccihp thực hiện và in ấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét