Trang

Chào mừng bạn đến với Clb Living My Life - Chuyên tổ chức các hội thảo , tập huấn về SKTD và SKSS dành cho cộng đồng cũng như tư vấn về những vấn đề liên quan đến LGBT . Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp qua số 0933.89.78.50 hoặc qua nick yahoo: khunglongbebong2805 để được hỗ trợ tận nơi

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

PHẢN ĐỐI HÔN NHÂN CÙNG GIỚI – HỘI PHỤ NỮ LÀM KHÓ MÌNH



PHẢN ĐỐI HÔN NHÂN CÙNG GIỚI – HỘI PHỤ NỮ LÀM KHÓ MÌNH
Mạnh Hải

Gần đây dư luận xã hội khá quan tâm đến việc Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam (viết tắt là Hội Phụ Nữ) phản đối hôn nhân cùng giới. Ý kiến của họ được để ý tới vì Hội Phụ Nữ thường được gắn với những vấn đề liên quan đến gia đình và bình đẳng giới. Nhưng cũng cần phải làm rõ, ý kiến của Hội Phụ Nữ không phải là ý kiến của tất cả hội viên, cũng không phải là ý kiến của tất cả những người phụ nữ Việt Nam khác.

 
Hình ảnh minh họa

Trước khi phân tích lý do tại sao Hội Phụ Nữ nên ủng hộ hôn nhân cùng giới, chúng ta nên hiểu sâu hôn về quan điểm chính thức của họ ghi trong báo cáo: “Thực trạng lồng ghép giới trong các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 – Bất cập, hạn chế và để xuất sửa đổi, bổ sung.”
Về cơ bản, Hội Phụ Nữ không nhất trí hôn nhân cùng giới vì ba lý do. Một là số lượng người đồng tính chưa được xác định rõ ràng (chắc chắn điều này không bao giờ làm được vì ở đâu cũng có nhiều người đồng tính không công khai nên không thể thống kê đầy đủ. Hơn nữa, đã là quyền con người thì dù là đa số, hay thiểu số đều bình đẳng và cần bảo vệ); Hai là chưa có nhiều nước công nhận hôn nhân đồng tính (đúng là số nước thừa nhận đang là thiểu số nhưng xu hướng ngày càng tăng); Ba là trái với phong tục tập quán của Việt Nam (điều này mơ hồ vì bản thân Hội Phụ Nữ chưa bao giờ nói rõ phong tục tập quán họ viện dẫn là gì.)
Nhưng điều quan trọng, Hội Phụ Nữ không coi quan hệ tình cảm, yêu đương và gắn bó giữa hai người đồng tính là quan hệ “hôn nhân” và “gia đình”. Chính vì vậy, ngoài việc không thừa nhận, họ còn đề nghị “những khía cạnh khác liên quan đến nhân thân của người đồng tính nên được quy định trong pháp luật về dân sự.” Đây thực sự là vấn đề lớn, vì theo quan điểm này, quan hệ giữa hai người đồng tính được ví như những giao dịch dân sự khác, như giữa hai người xa lạ mua hàng hóa, hợp tác làm ăn, vay nợ, hoặc thuê nhà ở chung. Như vậy, Hội Phụ Nữ phân biệt tình cảm giữa hai con người dị tính là “tình cảm gia đình” còn tình cảm giữa hai con người đồng tính là “giao dịch dân sự”. Từ đó, đề nghị đối xử với hai “loại tình cảm” này khác nhau, quy định trong hai bộ luật khác nhau.
Theo website chính thức của Hội Phụ Nữ, nhiệm vụ của Hội là “đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới”. Đây là sứ mệnh tổ chức nên tất cả các quan điểm, hành động và phát ngôn mà Hội phải hướng tới. Tuy nhiên, trong vấn đề hôn nhân cùng giới, Hội Phụ Nữ dường như đang đi ngược lại với sứ mệnh của mình.
Chúng ta đều biết, nếu lấy tỷ lệ 3% thí có khoảng 800.000 phụ nữ Việt Nam là người đồng tính và song tính. Nếu thực sự Hội Phụ Nữ đại diện cho quyền lợi của họ, thì Hội cần phải bảo vệ quyền bình đẳng trong kết hôn và xây dựng gia đình với người mình yêu cho những nguồi phụ nữ này. Hơn nữa, phản đối hôn nhân cùng giới cũng có nghĩa gián tiếp tạo điều kiện cho việc kết hôn giả giữa người đồng tính với người khác giới. Điều này dẫn đến sự bất hạnh cho hội viên của họ, cũng như nguy cơ tan vỡ của các gia đình không được xây dựng trên tình yêu và sự chia sẻ. Nếu tính cả những người mẹ, người chị có con em là người đồng tính, thì số phụ nữ mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng bởi quan điểm phản đối, sẽ là con số hàng triệu người.
Theo một số nghiên cứu về nam tính, nữ tính và định kiến giới gần đây cho thấy, phụ nữ đang là nhóm có tỉ lệ cao nhất muốn níu kéo và bảo vệ các giá trị truyền thống, cao hơn cả nhóm nam giới. Họ mong muốn phụ nữ cần phải dịu dàng, chăm chỉ, giỏi việc nước, đảm việc nhà, nói cách khác phải nữ tính. Điều này đóng khuôn phụ nữ trong vai trò giới định sẵn, chịu sự áp đặt, và đôi khi cả bạo lực tinh thần và thể xác. Đây là một trong các lý do quan trọng ngăn cản sự tiến bộ thực sự của bình đẳng giới ở Việt Nam. Nhưng điều đáng lưu ý, cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới là nhóm ủng hộ bình đẳng giới nhất, mạnh hơn cả nhóm nam giới dị tính và nữ giới dị tính. Họ cởi mở hơn với những giá trị tự do, bình đẳng, và trung lập về giới, cho cả phụ nữ và nam giới. Rõ ràng, khi phản đối hôn nhân cùng giới, Hội Phụ Nữ đang phản đối quyền của những người có giá trị cổ súy cho bình đẳng giới.
Phản đối hôn nhân cùng giới, Hội Phụ Nữ cũng phản đối các hình mẫu gia đình có tác dụng tích cực đến bình đẳng giới. Các nghiên cứu quốc tế về hôn nhân cùng giới có những phát hiện rất thú vị về vai trò giới trong gia đình và xã hội. Ví dụ, nghiên cứu của Badgett ở Mỹ cho thấy, việc cho phép kết hôn cùng giới đã có những ảnh hưởng tích cực lên bình đẳng giới trong hôn nhân truyền thống. Điều này là do gia đình đồng giới có tính bình đẳng tương đối cao, hai người ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm theo giới. Công việc được chia sẻ, đàn ông chăm con, làm việc nhà, hay người phụ nữ làm các công việc “nam tính” là điều bình thường. Hình ảnh này đã bình thường hóa  việc đàn ông chia sẻ công việc nội trợ, và phụ nữ tham gia vào hoạt động xã hội.
Rõ ràng, việc phản đối hôn nhân cùng giới không có lợi cho quyền lợi ích của phụ nữ nói chung, và gây hại cho phụ nữ đồng tính và song tính nói riêng. Thiết nghĩ, Hội Phụ Nữ nên xem xét kỹ lưỡng, khách quan, và dựa trên các bằng chứng khoa học và thực tế để đưa ra quyết định của mìn. Đã đến lúc, họ cần tiếp xúc và gặp gỡ các hội viên là phụ nữ đồng tính, hay có con em là đồng tính để tìm hiểu thực tế. Quyết định dựa trên những giá trị mơ hồ hay định kiến có sẵn, chắc chắn không có lợi cho con người, xã hội và ảnh hưởng đến sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới của bản thân Hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét